PGS, TS NGUYỄN NGỌC HÒA
Học viện Chính trị khu vực III
(TTKHCT) - Tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao gồm 464 trang, tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu về nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Xuyên suốt tác phẩm là những vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ảnh: bienphong.com.vn
1. Khái quát về nội dung cuốn sách
Những vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam xuyên suốt qua từng bài viết trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những vấn đề lý luận được phân tích, lý giải với ngôn ngữ hết sức giản dị, cô đọng, dễ hiểu. Những vấn đề thực tiễn được phản ánh sinh động qua quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Những cột mốc lịch sử hiện lên và đi liền với những dấu ấn đó là sự bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thông qua các cương lĩnh, các văn kiện của Đảng trong các kỳ đại hội.
Sâu xa nhất là những vấn đề lý luận và thực tiễn trong tác phẩm được diễn đạt rất gần với cuộc sống. Những vấn đề gắn với từng chủ thể lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trong nhân phẩm, đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhu cầu của người dân, khát vọng của nhân dân về một xã hội tốt đẹp.
2. Những vấn đề văn hóa, con người trong tác phẩm
Tác phẩm đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó văn hóa, con người là lĩnh vực đặc biệt được coi trọng. Ngay trong bài viết về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lý tưởng văn hóa, con người đã thể hiện rất rõ trong xây dựng một chế độ, một xã hội: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”1.
Như vậy, cái đích cuối cùng của xã hội mà chúng ta hướng đến là vì con người, phẩm giá con người; xã hội mà chúng ta phấn đấu là tăng trưởng kinh tế phải đi liền với phát triển bền vững và tiến bộ xã hội; là xã hội nhân văn, vì nhân dân, vì số đông chứ không phải dành cho một bộ phận thiểu số. Với ý nghĩa đó nền tảng cốt lõi của xã hội tiến bộ cũng là văn hóa và mục tiêu vì con người, vì giá trị cũng chính là văn hóa. Những nhận định đó cho chúng ta thấy sự thẩm thấu của văn hóa là vô cùng và xuyên suốt.
Trên tinh thần cốt lõi đó, tác phẩm đã chỉ ra vai trò hết sức to lớn của văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, là mục tiêu của phát triển bền vững, con người là trung tâm của sự phát triển: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam… Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”2.
Thực ra nói văn hóa là nói về con người. Sẽ không có sự chia cắt máy móc giữa văn hóa và con người. Điều này được thể hiện ở chỗ chỉ có con người mới làm ra, sáng tạo ra văn hóa, và ngược lại những gì là văn hóa đều thuộc về con người. Nói văn hóa là nói đến phạm trù giá trị, là cái tốt đẹp, chân-thiện-mỹ cho dù sản phẩm văn hóa tại một thời điểm nào đó có thể bị cho là chưa hoàn thiện vì tính tương đối và lịch sử của nó. Trong một bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu vào phân tích hàm nghĩa của văn hóa: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa,...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”3. Những nhận định này cho chúng ta thấm thía thêm về thực trạng đạo đức, lối sống trong thực tiễn văn hóa hiện nay.
Thực tế cho thấy, khi con người tạo ra xã hội và gắn kết nó bằng những thiết chế đạo đức, pháp luật, tôn giáo, giáo dục…là để hướng thiện con người, xây dựng xã hội tốt đẹp. Tuy nhiên, con người với tư cách là thực thể bản năng không thể không bị cám dỗ bởi ham muốn vật chất; con người với tư cách là thực thể xã hội không thể không bị cám dỗ bởi ham muốn quyền lực. Thực hiện những ham muốn, dục vọng đó là quá trình phá bỏ những ràng buộc đạo đức, pháp luật, ràng buộc văn hóa để thể hiện, thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình. Chủ nghĩa cá nhân được bộc lộ khi mỗi con người được quyền tự thể hiện, nhưng thực chất là khoe giàu, khoe tiền, khoe quyền, khoe kiến thức…Hay diễn đạt một cách khác, con người khi đã có cơ hội, trong một môi trường nào đó thì sẽ bị tha hóa bởi quyền lực và tiền bạc, mất kiểm soát bởi dục vọng tham, sân, si.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh lĩnh vực văn hóa trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII: “Có thể nói, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”4.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi”; “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế và chính trị” thì vấn đề nhận thức là cực kỳ quan trọng. “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”5.
Từ vấn đề nhận thức “đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa” tác giả đã đưa ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và bốn giải pháp cơ bản để chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, trong đó phải “Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”6.
Ngoài ra trong tác phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến nhiều nội dung văn hóa như văn học, nghệ thuật, đạo đức lối sống, lý tưởng, lẽ phải, nhân phẩm con người…Những luận điểm đa dạng, mới mẻ này đã bổ sung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Những vấn đề cần suy ngẫm
Thứ nhất, vấn đề nhận thức về vai trò của văn hóa
Có một sự thật cốt lõi là từ xưa đến nay, nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa không thiếu nhưng không hiểu sao không thể, chưa thể biến những nhận thức đó thành hiện thực trọn vẹn như mong muốn. Chúng ta không thể phủ nhận xã hội ngày càng tiến bộ và văn minh hơn, song, sự đứt gãy về văn hóa, khoảng trống văn hóa lại xuất hiện, nhất là về lối sống, nhân phẩm con người và nền tảng, đạo đức xã hội mất dần giá trị truyền thống.
Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rất rõ về vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa và đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách văn hóa đúng đắn để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Song, xét đến cùng các chính sách khi đi vào thực tiễn ở một số nơi, một số giai đoạn vẫn chưa đến nơi đến chốn. Tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” có thể được nhìn thấy trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, song chưa được hun đúc như một trào lưu, một làn sóng mạnh mẽ, nhất là từ khi đổi mới đến nay, cho dù những thành tựu về tăng trưởng kinh tế đã có bước nhảy vọt và vô cùng quan trọng.
Thứ hai, hoạt động văn hóa và thang đo của giá trị
Một xã hội được gọi là tốt đẹp có thể đo đếm bằng nhiều tiêu chí về vật chất nhưng cơ bản phải từ văn hóa, bởi lẽ văn hóa là giá trị, là nền tảng, là động lực và mục tiêu của phát triển bền vững. Văn hóa thẩm thấu trong toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội, trong đời sống chính trị, đời sống kinh tế…Văn hóa tinh tế trong từng biểu hiện của thái độ, hành vi, cảm xúc. Chừng nào chúng ta chưa nhìn thấy, cảm nhận được văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị hay xây dựng, định hình được nó thông qua con người và tổ chức chính trị, xã hội thì chưa thể biến quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế và chính trị” thành hiện thực.
Thang đo giá trị phải thuộc về cộng đồng. Cộng đồng sẽ phản ứng, đo đếm bằng cách chấp nhận, tôn vinh hay phản đối, phê phán, lên án các hành vi, hoạt động văn hóa, thái độ, cho đến các chính sách văn hóa. Văn hóa níu giữ sự ‘tự tin” thái quá trong biểu hiện quyền lực (chính trị) và tiền bạc (kinh tế). Diễn đạt ở góc độ khác, thang đo của văn hóa là sự kiềm chế, kiểm soát dục vọng.
Thứ ba, môi trường và thời điểm sáng tạo văn hóa
Văn hóa và con người không thể tách rời nhau. Con người làm ra, sản xuất ra, sáng tạo ra văn hóa nhưng cũng chính văn hóa, môi trường văn hóa định hình nhân cách con người. Không ai sinh ra đã có văn hóa, và ngược lại, luôn có một văn hóa, môi trường văn hóa đang chờ sẵn để nuôi dưỡng con người, hình thành nhân phẩm, nhân cách con người. Như vậy, sáng tạo ra sản phẩm văn hóa thuộc về cá nhân và lưu giữ giá trị lại thuộc về cộng đồng. Cần có sự cộng hưởng đó trong một thời điểm nhất định mới có những thành tựu văn hóa. Lịch sử và truyền thống văn hóa Việt Nam đã minh chứng điều đó bằng những tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, những thập niên gần đây lại thiếu vắng những tác phẩm hay, chưa định hình được trào lưu nghệ thuật để có thể “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Phải chăng nghệ sĩ chưa có môi trường để sáng tạo? Phải chăng văn nghệ sĩ đã không sống chết và thiếu cảm xúc sáng tạo với những giá trị cốt lõi của dân tộc hay thiếu “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”?
Thứ tư, công cụ để phát huy văn hóa và kiểm soát dục vọng
Thực chất của dục vọng chính là lòng ham muốn. Ham muốn khi được đẩy lên cao đến mức không chính đáng thì con người có thể bất chấp tất cả để đạt những điều mà mình muốn, nhất là về vật chất như tiền tài, danh vọng, địa vị. Đó là những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa… nhiều tiền, lắm của… Trong đời sống chính trị và kinh tế, họ “xô đẩy” và “chạy đuổi” không mệt mỏi để hiện thực hóa động cơ của mình. Họ gọi đó là khát vọng nhưng thực chất là dục vọng và biện minh cho việc làm của mình bằng những ngôn từ mỹ miều và hành vi che đậy. Sẽ không có một xã hội tốt đẹp với những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ… khi những biểu hiện này mỗi ngày trở thành phổ biến và được thừa nhận công khai.
Chúng ta cần xây dựng cơ chế dựa trên nền tảng tự do, dân chủ và tôn trọng để phát huy văn hóa, nhưng cũng cần những chế định, chế tài, nguyên tắc và luật định để kiểm soát dục vọng. Đối với từng cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên cần nhận diện khát vọng và dục vọng để lựa chọn lẽ sống, lối sống và hành vi của mình trong từng thời điểm.
Thứ năm, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của con người - ý nghĩa của văn hóa
Ý nghĩa, giá trị của con người nằm ở vật chất hay tinh thần? Đó là câu hỏi không có đáp án tuyệt đối. Vật chất là hữu hình/ vật thể, tinh thần là vô hình/phi vật thể. Văn hóa biểu hiện bên ngoài bằng hình thức và kết tinh bên trong bằng nội dung là giá trị. Phấn đấu để đạt được trạng thái vật chất bằng những mục tiêu cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể suy cho cùng là để đạt được trạng thái tinh thần với ý nghĩa là mục đích văn hóa của con người. Mục đích đó là con người được được thỏa mãn nhu cầu tự do trong hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Thiếu những điều kiện vật chất sẽ khó có thể tiệm cận, tiếp xúc với những giá trị văn hóa đỉnh cao. Có điều kiện vật chất nhưng không có trí tuệ, thiếu hiểu biết sẽ làm tổn thương văn hóa.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 01 (31) - 2023
1, 2, 3, 4, 5 Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội 2022, tr.21-22, 27-28, 158-159, 169-170, 176, 172