ThS NGUYỄN YẾN NHI
Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Cán bộ chỉ có thể năng động, sáng tạo, dám làm khi được nhân dân ủng hộ. Giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên một mặt khuyến khích, hỗ trợ những nhân tố mới, tích cực; mặt khác chỉ ra và khắc phục các sai phạm. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay còn nhiều hạn chế. Bài viết luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân trong giám sát để khuyến khích cán bộ, đảng viên năng động, dám hành động vì lợi ích chung.

Cán bộ Văn phòng HĐND và UBND quận Bình Thủy tiếp công dân (Nguồn: baocantho.com.vn)

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về nhân dân giám sát để khuyến khích cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung

“Giám sát” là việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước1. Nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên. Hoạt động giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên có thể được hiểu là việc theo dõi, xem xét, đánh giá của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện chính sách, pháp luật; kịp thời phát hiện các sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa chữa, phát hiện những nhân tố mới, tích cực nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò giám sát cán bộ, đảng viên của nhân dân. Giám sát là một phương thức kiểm soát quyền lực, trong đó, kiểm soát có hai cách, một cách là từ trên xuống, một cách là từ dưới lên. Theo Người, ngoài cách giám sát từ trên xuống: “người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình”2, thì cần đặc biệt coi trọng cách giám sát từ dưới lên: “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó”3. Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân là người có quyền giám sát cán bộ, đảng viên, và Người bày tỏ sự mong mỏi nhân dân giám sát để giúp đỡ cán bộ, đảng viên: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”4. Người cũng phê bình cán bộ, đảng viên còn chưa thực sự tôn trọng nhân dân, chưa tạo điều kiện để nhân dân giám sát mình, còn vì khuyết điểm mà tìm cách làm dân sợ: “có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói”5. Người cho rằng nhân dân vô cùng khoan hồng, độ lượng; vì vậy, Người khuyên cán bộ: “nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”6.

Theo Hồ Chí Minh, giám sát không phải chỉ để tìm lỗi sai, mà thực chất là thực hành thương yêu cán bộ, phát hiện ra cả những ưu điểm, khuyết điểm và khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm: “Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, có gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ”7.

Như vậy, nội dung căn bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò giám sát cán bộ, đảng viên của nhân dân là: (1) Người dân là lực lượng trực tiếp giám sát cán bộ, đảng viên; (2) Mục đích của giám sát là để: (a) hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, đảng viên phát huy những ưu điểm, (b) giúp đỡ cán bộ, đảng viên giải quyết những khó khăn và (c) chỉ ra cách khắc phục sai phạm của cán bộ, đảng viên; (3) Sử dụng lực lượng nhân dân, sức mạnh nhân dân để giúp đỡ và sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên.

Phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng luôn coi trọng vấn đề nhân dân giám sát đảng viên để khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên. Tăng cường vai trò giám sát đảng viên của nhân dân là mối quan tâm lớn của Đảng. Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 14/02/1998 khóa VIII chỉ rõ: “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện các thiết chế dân chủ… thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của nhân dân”8. Nghị quyết số 14-NQ/TW khóa X khẳng định: “Kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát của Nhà nước và giám sát của nhân dân”9, “phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát”10; “Thực hiện minh bạch, công khai hóa các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát, kiểm tra tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”11; Quyết định số 217-QĐ/TW, Bộ Chính trị khóa XI nêu: “Giám sát nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân …”12. Đại hội Đảng lần thứ XIII bổ sung hai nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” trong phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”13 là điểm mới so với các kỳ Đại hội trước đó, cho thấy Đảng đánh giá rất cao vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng.

Bên cạnh việc xác định chủ thể giám sát là nhân dân, mục tiêu giám sát cũng được Đảng làm rõ.

Đầu tiên phải kể đến là phát hiện những mặt tốt, mặt tích cực để biểu dương, phát huy, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo: “Giám sát (…) phát hiện nhân tố mới, tích cực”14 để qua đó phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là mục tiêu được đặt lên hàng đầu trong hoạt động giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, “Phát huy vai trò của (…) và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”15. Đảng xác định các nội dung nhân dân giám sát đối với cán bộ, đảng viên là: (1) Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; (2) Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; (3) Đạo đức, văn hóa công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ; (4) Về việc giữ mối liên hệ với nhân dân16; Các hình thức nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên khá đa dạng, phong phú, cập nhật: thực hiện quyền giám sát bằng cách theo dõi, phát hiện, phản ảnh, kiến nghị các cấp và cơ quan có thẩm quyền thông qua phản ánh trực tiếp, bằng văn bản, hòm thư góp ý, thư điện tử…17.

Như vậy, nhân dân giám sát đảng viên không chỉ để tìm ra lỗi, khuyết điểm, mà cũng cần giám sát để phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt; đó thực chất là giám sát để phát hiện, khuyến khích, hỗ trợ, ghi nhận, vinh danh cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám hành động vì lợi ích chung.

2. Hoạt động giám sát của nhân dân trong khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung

Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”18. Đây là các yêu cầu đối với người cán bộ của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Bối cảnh quốc tế và trong nước thay đổi liên tục, áp lực phát triển là hữu hình đang đặt dân tộc Việt Nam đứng trước một thời cơ, vận hội cùng với những khó khăn, thách thức lớn lao. Để có thể dẫn dắt dân tộc thực hiện được mục tiêu: “Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”19 và “phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”20, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo muốn thành công thì mọi sáng tạo đều phải xuất phát từ nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, tức là đều vì “lợi ích chung”. Vì lẽ đó, để cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm thành công thì các quyết sách, việc làm của họ đều cần được người dân biết, người dân ủng hộ. Vì vậy, nhân dân giám sát là điều kiện tiên quyết để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo thành công.

Hoạt động giám sát của nhân dân trong thời gian qua đạt được những kết quả đáng chú ý. “Phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”21, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn thể xã hội, phản biện một số văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 hoạt động phản biện; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 hoạt động phản biện; cấp xã là 49.564 cuộc giám sát, 25.834 hoạt động phản biện. Có 32.064 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, chính quyền từ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân22.

Trong thực tế, có nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội được người dân đồng thuận nhờ phát huy sự tham gia của người dân. Ví dụ như phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở hầu hết các địa phương trong quá trình hoàn thiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hoặc mới đây, phong trào hiến đất, góp công, góp của mở rộng hẻm ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của người dân từ quá trình bàn bạc, quy hoạch, huy động nguồn lực, thực hiện… đều có sự giám sát, giúp đỡ của người dân. Có nhiều sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt của các địa phương được thực hiện nhờ sức mạnh lan tỏa của người dân. Các hoạt động trong phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam vừa qua, nhờ có sự tham gia của người dân ngay từ đầu, mà các sáng kiến chính sách của Đảng, Nhà nước trong chống dịch đã nhận được sự đồng thuận to lớn, thêm vào đó, người dân còn không ngần ngại góp công, góp của chung sức với Đảng, Nhà nước cho thành công của trận chiến chống dịch COVID-19.

Nhân dân không ngần ngại đồng hành cùng cán bộ nếu cán bộ tốt, nhưng họ cũng sẵn sàng “lật thuyền” nếu cán bộ không tốt. Sự kiện Thái Bình năm 1997, cơ sở thực tiễn cho xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị) chính là bài học sâu sắc cho cán bộ, đảng viên dám đi ngược lại lòng dân, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Không thể phủ nhận vai trò tiên quyết của nhân dân trong quá trình giám sát cán bộ, đảng viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, cũng như vai trò quyết định đối với xử lý sai phạm của cán bộ lợi dụng chức quyền đi ngược lại lòng tin của nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát của nhân dân, Đảng có thể nhận thấy rõ hơn những hoạt động của đảng viên và của các tổ chức Đảng, có cơ sở thực tiễn cho việc triển khai chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong cuộc sống. Trong thực tế, các hoạt động giám sát của nhân dân chính là cầu nối trực tiếp giữa Dân với Đảng. Thông qua giám sát, nhân dân bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình với Đảng và Nhà nước, cũng là góp sức giúp chỉ rõ những điều mà chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua giám sát, người dân có thể giúp Đảng, Nhà nước phát hiện ra những đảng viên gương mẫu, có năng lực, có đạo đức, năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung, cũng như những mô hình mới, tích cực cần phổ biến, nhân rộng, làm lợi cho dân, cho nước.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ: “Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”23. Những nhận định trên của Đảng cho thấy, hoạt động giám sát của nhân dân trong khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo chưa thực sự sâu sát, chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, đó là:

(1) Trong thực tế, giám sát từ nhân dân cũng được tổ chức theo các kế hoạch, chương trình của các cơ quan hữu quan. Các chương trình giám sát đó mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng không đủ sức để bao phủ hết được các đối tượng giám sát và không phát huy hết được năng lực, nguồn lực giám sát của nhân dân.

(2) Công tác giám sát còn thiên về phát hiện sai phạm nhiều hơn là phát huy nhân tố tích cực. Trong các quy định của Đảng cũng như việc triển khai thực hiện, hoạt động giám sát thường nằm trong chuỗi hoạt động “kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật”. Các quy định về giám sát cũng dành nhiều nội dung cho mục đích phát hiện vi phạm của đối tượng bị giám sát. Các báo cáo giám sát cũng có xu hướng tập trung vào những vi phạm, lỗi sai của đối tượng bị giám sát nhiều hơn là các ưu điểm, nhân tố mới hoặc tích cực. Vì vậy, có nhận thức gần như bất thành văn, cứ kiểm tra, giám sát là liên quan đến vi phạm, đến xử lý kỷ luật.

(3) Giám sát phát huy nhân tố tích cực chưa được thể chế hóa trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mặc dù có được ghi trong các văn bản của Đảng, nhưng các nội dung giám sát phát huy nhân tố mới, nhân tố tích cực còn chưa được quy định cụ thể, lượng hóa, thể chế hóa trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Trong khi đó, “chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”24 là một tình trạng thực tế hiện nay, nên các quy định về giám sát để phát hiện, hỗ trợ cán bộ, đảng viên năng động, sáng  tạo vì lợi ích chung cũng còn chưa được hoàn thiện.

(4) Sự e dè của cán bộ khi được coi là “Đối tượng giám sát” bởi lẽ cán bộ khi dám sáng tạo, sẽ có xu hướng phải phá bỏ rào cản của sự lạc hậu, trì trệ (có thể có rào cản của chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định hiện hành), nhưng giám sát lại có xu hướng tập trung vào đánh giá thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định đang có.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò giám sát của nhân dân để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Sự năng động, sáng tạo, đổi mới của cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng sẽ thành công nếu biết lắng nghe nơi dân, khơi dậy sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của người dân. “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”25. Huy động sức dân, tìm kiếm sự hỗ trợ, khuyến khích của nhân dân với sự sáng tạo của cán bộ bằng cách tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động giám sát trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, công khai, minh bạch hóa thông tin, việc làm của cán bộ, đảng viên. Để phục vụ tốt hoạt động giám sát, các thông tin giám sát phải được công khai, minh bạch. Có quy định cụ thể về công khai, minh bạch thông tin, kế hoạch, việc làm, kết quả của cán bộ, đảng viên đối với người dân. Khuyến khích cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện thực hiện đăng ký giám sát và cam kết trách nhiệm trước nhân dân. Mở rộng đối tượng, nội dung giám sát, thường xuyên xin ý kiến nhân dân về các hoạt động, chủ trương, kế hoạch, việc làm của cán bộ, đảng viên. Coi kênh thông tin đánh giá từ người dân là một kênh quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên.

Hai là, chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí, thực hiện tốt công tác dân vận, hoàn thiện thể chế giám sát của nhân dân với hoạt động của các tổ chức Đảng, cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Định kỳ tiếp công dân, lấy ý kiến nhân dân về các chương trình, kế hoạch hoạt động của chính quyền.

Ba là, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, đồng thời hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước. Thực hiện đánh giá, nhìn nhận các sai phạm trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp.

4. Kết luận

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên năng động, dám hành động vì lợi ích chung là rất cần thiết, thể hiện sâu sắc bản chất chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong bối cảnh mới, cần phải tiếp tục hoàn thiện về thể chế, cơ chế thực hiện, đồng thời nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hệ thống chính trị để đảm bảo thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hơn nữa hoạt động này, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ, đột phá, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024

1, 12, 14, 15 Đảng Cộng sản Việt Nam: Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quyet-dinh-so-217-qdtw-ngay-12122013-cua-bo-chinh-tri-ban-hanh-quy-che-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-to-178, cập nhật 23/3/2024.

2&3, 4, 7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.328, 75, 323.

5 & 6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.280.

8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t.57, tr.31.

9, 10, 11 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t.66, tr.494, 491, 495.

13,18, 19, 20 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.173, 187, 217, 218.

15 Đảng Cộng sản Việt Nam:  Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về giám sát của Mặt trận Tỏ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-124-QD-TW-2018-giam-sat-viec-tu-duong-ren-luyen-dao-duc-loi-song-cua-nguoi-dung-dau-376939.aspx, cập nhật 23/3/2024.

16, 17  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Thường Trực: Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT, ngày 22 tháng 9 năm 2020 hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ, http://mattran.org.vn/van-ban-huong-dan.html?keyword=&year=2020&doctype=3, cập nhật 11/4/2024.

21, 22, 23, 24 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.222, 205, 206, 223.

25 Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.78.