TS NGÔ VĂN TỔNG
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Lợi ích quốc gia là một trong những vấn đề cốt lõi trong quan hệ quốc tế (QHQT). Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định hoạt động đối ngoại của Việt Nam phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc (QGDT). Là hai trường phái lý thuyết có ảnh hưởng bậc nhất trong QHQT, Chủ nghĩa hiện thực (CNHT) và chủ nghĩa tự do (CNTD) lại có cách tiếp cận rất khác nhau về vấn đề lợi ích quốc gia. Tư duy của Việt Nam về vấn đề lợi ích quốc gia – dân tộc vừa thể hiện tính hội tụ, vừa thể hiện tính phân ly so với cách tiếp cận của CNHT và CNTD. Đặc biệt, cách tiếp cận của Việt Nam hàm chứa sự phủ nhận đối sách “liên minh” mà CNHT cổ xuý, đồng thời cũng bác bỏ nhận định của CNTD về sự “xói mòn” của vấn đề lợi ích quốc gia trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp ký bản Tạm ước Việt - Pháp, ngày 14-9-1946_Nguồn: nhandan.vn
1. Đặt vấn đề
Lợi ích quốc gia là một trong những vấn đề cốt lõi trong QHQT bởi lẽ nó có tác động sâu rộng đến việc định hình và triển khai các chiến lược, chính sách của các quốc gia. Mỗi quốc gia, dân tộc, giai cấp lại có nhận thức khác nhau về vấn đề lợi ích quốc gia tại các thời điểm lịch sử khác nhau1.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, lợi ích quốc gia đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của các quốc gia, trong đó có các nước lớn. Tuy vậy, xét trên cả bình diện lý thuyết và thực tiễn, cách tiếp cận về lợi ích quốc gia là vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi2. Với tư cách là hai trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế mang tính tiêu biểu, CNHT và CNTD lại có cách lý giải rất khác nhau khi bàn luận đến vấn đề lợi ích quốc gia.
Trong thời kỳ đổi mới, vấn lợi ích QGDT luôn được Đảng ta đề cao trong hoạt động đối ngoại. Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Trong hoạt động đối ngoại, Đảng ta tiếp tục khẳng định việc “bảo đảm cao nhất lợi ích QGDT”3. Nói cách khác, lợi ích QGDT tiếp tục được xem là mục tiêu và nguyên tắc tối thượng trong việc xử lý các vấn đề QHQT của Việt Nam.
Bài viết này trước hết sẽ tập trung phân tích cách tiếp cận của CNHT, CNTD và quan điểm của Việt Nam (thể hiện qua quan điểm của Đảng ta) về vấn đề lợi ích quốc gia trong QHQT. Sau đó, bài viết sẽ làm rõ tính hội tụ và phân ly trong nhận thức về vấn đề lợi ích quốc gia của Việt Nam, CNHT và CNTD. Thông qua đó, bài viết giải thích cơ sở của việc Việt Nam bác bỏ đối sách “liên minh”, đồng thời phủ nhận sự “xói mòn” của vấn đề lợi ích, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.
2. Lợi ích quốc gia – dân tộc: cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do
CNHT và CNTD có ảnh hưởng sâu rộng trong việc phân tích sự tương tác giữa các chủ thể QHQT hiện nay. Tuy vậy, CNHT và CNTD lại có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề QHQT, trong đó có vấn đề lợi ích quốc gia. Có thể khái quát cách tiếp cận của CNHT về vấn đề lợi ích quốc gia như sau:
Một là, lợi ích là tiêu chí hàng đầu trong việc chỉ dẫn hành động quốc gia; nói cách khác, tất cả các quốc gia đều hành động theo lợi ích. Cả ba phái chính thuộc CNHT (Cổ điển, Tân hiện thực và Tân cổ điển) đều nhấn mạnh rằng hành động của các quốc gia đều dựa trên lợi ích, nhằm theo đuổi mục tiêu quyền lực hoặc an ninh4. CNHT tuyên bố rằng sự tồn tại của quốc gia phải được đặt ở vị trí ưu tiên và quan trọng hàng đầu so với bất kỳ mục tiêu chính sách nào khác (chẳng hạn như sự thịnh vượng về kinh tế hoặc sự cam kết cao hơn về mặt đạo đức)5. Nói rộng hơn, việc bảo vệ lợi ích căn bản của quốc gia cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ các yếu tố vật chất, bản sắc chính trị và văn hóa khỏi sự xâm lăng của các quốc gia khác6.
Hai là, lợi ích quốc gia được xem là công cụ để phân tích chính sách và cẩm nang cho hoạt động đối ngoại của quốc gia7. Theo đó, lợi ích là nguyên tắc cơ bản dẫn dắt chính sách đối ngoại của một quốc gia: lãnh đạo quốc gia phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của quốc gia mình. Lợi ích quốc gia cũng được xem là một nguyên tắc nền tảng giúp lãnh đạo quốc gia xác định thời gian và địa điểm thích hợp để hành động nhằm đạt được mục tiêu của mình. Lãnh đạo quốc gia được xem là không hoàn thành sứ mệnh của mình khi không bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình8.
Ba là, những người ủng hộ CNHT chưa có sự thống nhất về các thành tố cấu thành lợi ích quốc gia. Theo Joseph Frankel, các công trình nghiên cứu về lợi ích quốc gia, theo cách tiếp cận của CNHT, có thể được phân chia thành hai nhóm tiếp cận: “khách quan” và “chủ quan”. Nhóm “khách quan” khẳng định rằng lợi ích quốc gia gồm các thành tố: địa lý, lịch sử, quốc gia láng giềng, nguồn lực, dân số, sắc tộc9, hệ thống chính trị và sự toàn vẹn lãnh thổ10. Ngược lại, nhóm “Chủ quan” cho rằng lợi ích quốc gia không cố định mà lại phụ thuộc vào “sự thay đổi tuỳ chọn hoặc các ưu tiên”. Theo đó, việc xác định các thành tố lợi ích quốc gia không phải là bất biến, vĩnh viễn, mà tuỳ thuộc thuộc vào (1) sự thay đổi về lực lượng lãnh đạo chính trị của quốc gia, (2) sự tác động của các yếu tố khác như: hệ tư tưởng, tôn giáo và giai cấp11.
Bốn là, về cách thức theo đuổi lợi ích quốc gia, những người ủng hộ CNHT phớt lờ yếu tố đạo đức và luật pháp quốc tế trong việc đạt được mục tiêu quốc gia; bởi lẽ, theo quan niệm của CNHT, bản chất của môi trường chính trị quốc tế là “vô chính phủ” (anarchic) và không có chính phủ toàn thế giới để quản lý hành vi của quốc gia12. Để đạt được mục tiêu quốc gia mình (trong đó, yếu tố an ninh là cốt lõi), các quốc gia có thể theo đuổi các đối sách như: (1) “balancing” (cân bằng) - trực tiếp đương đầu với kẻ thù, (2) “buck-passing” (đẩy trách nhiệm) - sử dụng quốc gia khác để đương đầu với kẻ thù, (3) “bandwagoning” (ăn theo) - liên minh với đối thủ, (4) “appeasement” (xoa dịu) - nhượng bộ theo yêu sách của đối thủ13.
Trong khi CNHT đề cao việc xúc tiến lợi ích an ninh và sự tồn tại của quốc gia thì CNTD cho rằng vấn đề lợi ích quốc gia nên nhường chỗ cho vấn đề thương mại tự do và không bị giới hạn, bởi vì việc xúc tiến lợi ích quốc gia sẽ dẫn đến vấn bảo hộ và lũng đoạn thị trường14. Cách tiếp cận của CNTD về vấn đề lợi ích quốc gia được thể hiện theo những hướng chủ đạo sau đây:
Thứ nhất, CNTD đánh giá thấp vấn đề lợi ích quốc gia. Những người ủng hộ CNTD cho rằng, thay vì nhấn mạnh đến yếu tố lợi ích quốc gia trong hoạt động đối ngoại, các quốc gia nên tập trung vào việc theo đuổi hoà bình - sự hài hòa giữa các quốc gia15 bởi vì quy luật tự nhiên đòi hỏi sự hài hòa và hợp tác giữa các dân tộc16. Theo cách tiếp cận của CNTD, sự hài hoà và hợp tác là yếu tố thiết yếu giúp đảm bảo sự giao lưu và thịnh vượng về kinh tế giữa các chủ thể hoạt động xuyên biên giới.
Thứ hai, các vấn đề xuyên biên giới cần được ưu tiên quan tâm. Lợi ích quốc gia do vai trò của quốc gia ngày càng giảm dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá. Bác bỏ quan điểm của CNHT về việc quốc gia là chủ thể chính trong QHQT, những người ủng hộ CNTD lý giải rằng: dưới tác động của toàn cầu hóa kinh tế, vai trò của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia ngày càng trở nên then chốt; và trong chừng mực nào đó, nó đã vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát của nhà nước17. Toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải mở cửa cho các hoạt động xuyên biên giới, dẫn đến việc các quốc gia không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình (chẳng hạn như các hoạt động kinh tế và vấn đề môi trường)18.
Thứ ba, lợi ích quốc gia nên nhường chỗ cho lợi ích toàn cầu. Theo quan niệm của CNTD, toàn cầu hóa kinh tế tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia và vì vậy lợi ích quốc gia, theo cách tiếp cận của CNHT, phải nhường chỗ cho lợi ích chung, mang tính toàn cầu. Nói cách khác, sự tuỳ thuộc lẫn nhau buộc các quốc gia phải thay đổi tư duy theo hướng thúc đẩy hợp tác thay vì duy trì xung đột; tư duy quốc gia nên chuyển hướng sang lợi ích chung thay vì lợi ích quốc gia dân tộc hẹp hòi19. Hơn nữa, dưới tác động phụ thuộc lẫn nhau ngày càng phức tạp, các chủ thể xuyên quốc gia (các tổ chức quốc tế, khu vực) ngày càng trở nên quan trọng và lực lượng quân sự trở nên ít có ý nghĩa hơn; và phúc lợi, thay vì an ninh, đang trở thành mục tiêu chủ yếu và quan tâm hàng đầu của các quốc gia20.
3. Lợi ích quốc gia - dân tộc: cách tiếp cận của Việt Nam
Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Đại hội này cũng đánh dấu mốc quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy đối ngoại của Đảng ta. Tư duy của Đảng ta về vấn đề lợi ích QGDT ngày càng được thể hiện rõ nét qua các kỳ đại hội. Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 20/5/1988 của Bộ Chính trị khóa VI khẳng định lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là củng cố và duy trì vững chắc ngôi trường hoà bình, tập trung sức mạnh cho việc xây dựng và phát triển đất nước21.
Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (7/2003) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng, chiến lược trong việc bảo về Tổ quốc là “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”22. Nghị quyết tiếp tục khẳng định: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản của cách mạng và cũng là lợi ích căn bản của quốc gia”23. “Chúng ta kiên định lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của dân tộc”24. Hội nghị này cũng đưa ra bốn phương châm xử lý hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó, phương châm đầu tiên nhấn mạnh đến tính chất “chân chính” trong việc theo đuổi mục tiêu lợi ích của Việt Nam: “Đảm bảo lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân”25.
Tại Đại hội lần thứ XII (2016), về phương hướng, nhiệm vụ trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, Đảng ta chỉ rõ “bảo đảm lợi ích tối cao của QGDT, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, và cùng có lợi”26. Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng ta tiếp tục khẳng định việc đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia- dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của hiến chương liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”27.
Như vậy, qua hơn ba thập kỷ đổi mới, tư duy của Đảng ta về vấn đề lợi ích QGDT ngày càng được hoàn thiện. Về cách diễn đạt, sự phát triển về mặt nhận thức được thể hiện ở chỗ từ việc ban đầu xác định là “lợi ích” của “Đảng và Nhân dân”, đến việc khẳng định “lợi ích quốc gia” và cao hơn là “lợi ích QGDT”. Trong nghiên cứu về QHQT, theo tác giả Đặng Đình Quý, khái niệm “lợi ích quốc gia” (state interest) thường được sử dụng để chỉ đến lợi ích của giai cấp cầm quyền; ngược lại, “lợi ích dân tộc” (national interest) thiên về lợi ích của tất cả mọi người dân trong nước. Thuật ngữ “lợi ích QGDT” thiên về kết hợp ngữ nghĩa của hai khái niêm nêu trên, hàm chỉ đến lợi ích của mọi người dân và của giai cấp cầm quyền28. Mặc dù, các cụm từ “lợi ích quốc gia”, lợi ích dân tộc”, “lợi ích QGDT” thường được sử dụng với nội hàm gần giống nhau; song, với cụm từ “lợi ích QGDT” mang tính chất hoàn thiện, đầy đủ hơn.
Việc theo đuổi lợi ích QGDT của Việt Nam bao hàm tính “chân chính” và tính pháp lý. Điều đó được thể hiện ở chỗ những lợi ích mà Việt Nam theo đuổi không phải là những lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, dân tộc chủ nghĩa; ngược lại, đó là những lợi ích chính đáng, được công nhận, thừa nhận một cách rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Cơ sở cho sự công nhận, thừa nhận đó là việc theo đuổi lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam đảm bảo tính pháp lý quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc QHQT phổ quát, các công ước, định chế, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tính chính đáng và pháp lý trong cách tiếp cận của Việt Nam về vấn đề lợi ích QGDT thể hiện sự đồng bộ hoá với năng lực, hoàn cảnh, mục tiêu của Việt Nam trong quá trình tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Việc xác định lợi ích QGDT làm cơ sở điều tiết hoạt động đối ngoại của Việt Nam là rất cần thiết bởi lẽ, theo tác giả Phạm Bình Minh, lợi ích QGDT là chỉ dấu, có tính chất dẫn dắt hành động, giúp Việt Nam tránh hành động dựa vào cảm tính. Mặt khác, do lợi ích quốc gia – dân tộc là lợi ích của tất cả mọi người dân, việc nêu cao nguyên tắc lợi ích QGDT góp phần nâng cao sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước29.
Như vậy, có thể thấy, cách tiếp cận của Việt Nam về vấn đề lợi ích QGDT đề cao tính pháp lý, tính chính nghĩa, chính đáng, không vị kỷ, hẹp hòi, phù hợp với xu thế tiến bộ, phát triển chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hậu Xô viết.
4. Tính hội tụ và phân ly
Cách tiếp cận về lợi ích QGDT của Việt Nam, một mặt, thể hiện tính “hội nhập” trong tư duy về QHQT thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, mặt khác, thể hiện nét riêng, bản sắc của Việt Nam trong nhận thức về vấn đề hết sức cơ bản trong QHQT hiện nay. Tính hội tụ (“hội nhập”) và phân ly (bản sắc) trong nhận thức về vấn đề lợi ích quốc gia của Việt Nam so với cách tiếp cận của CNHT và CNTD được thể hiện ở các khía cạnh sau:
(1) Về tầm quan trọng của vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo quan điểm của CNHT, lợi ích quốc gia là mối quan tâm hàng đầu, là vấn đề mang tính chất “sống còn”30 đối với quốc gia trên đấu trường quốc tế. Những người ủng hộ CNHT cũng cho rằng lợi ích quốc gia có thể đạt được thông qua chính sách đối ngoại31 Việt Nam có chung luận điểm này với CNHT vì cho rằng lợi ích QGDT là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động đối ngoại. Đồng thời, lợi ích QGDT cũng là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động đối ngoại. Đặt lợi ích QGDT lên hàng đầu đòi hỏi quốc gia phải sự thống nhất trong suốt quá trình hoạt động đối ngoại, từ việc định hình chính sách đến việc triển khai và xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động đối ngoại. Quá trình này phải đảm bảo nguyên tắc: những gì có lợi cho lợi ích QGDT thì phải tranh thủ tối đa, những gì tổn hại đến lợi ích QGDT thì phải tránh.
Luận điểm này của Việt Nam cũng thể hiện sự phân ly với quan điểm của CNTD rằng: khái niệm lợi ích quốc gia không còn nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay bởi vì sự ủng hộ ngày càng gia tăng của các chủ thể QHQT đối với vấn thương mại tự do và không bị giới hạn32. Mặc dù Việt Nam không phủ nhận rằng toàn cầu hóa có tác động sâu rộng đến vấn đề chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, Việt Nam cho rằng việc theo đuổi lợi ích quốc gia thông qua chính sách đối ngoại đã trở thành xu thế của QHQT thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh33. Các quốc gia mở cửa, gia tăng hợp tác với bên ngoài, suy cho cùng, đều hướng tới việc đảm bảo an ninh, phát triển và tăng cường vị thế của các chủ thể nhà nước trong quan hệ xuyên biên giới; thông qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại.
(2) Về cách thức theo đuổi lợi ích quốc gia: những người ủng hộ CNHT làm ngơ các chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm quốc tế của quốc gia trong việc theo đuổi mục tiêu tồn tại và an ninh của mình34 với viện dẫn rằng, do bản chất của môi trường quan hệ quốc tế là vô chính phủ nên các quốc gia phải “tự giúp mình”. Trái lại, Việt Nam lại nhấn mạnh đến tính chính đáng và pháp lý quốc tế trong việc theo đuổi mục tiêu lợi ích quốc gia. Nói cách khác, các quốc gia, trong nỗ lực đạt được mục tiêu của mình, phải hành xử tương tích với các nguyên tắc phổ quát, các thông lệ trong QHQT, phù hợp với sự tiến bộ và phát triển chung của nhân loại.
Việc Việt Nam thúc đẩy tuân thủ các yếu tố luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia – dân tộc cũng hàm ý phê phán tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, việc thực hiện chính sách ngoại giao “nước lớn”, cường quyền, Xô-vanh trong QHQT. Luận điểm này của Việt Nam lại thể hiện điểm tương đồng với những người ủng hộ CNTD cho rằng luật pháp quốc tế là công cụ để điều chỉnh hành vi quốc gia và sự hài hòa lợi ích giữa các quốc gia dân tộc có thể đạt được thông qua việc đảm bảo yếu tố luật pháp quốc tế trong các hoạt động xuyên biên giới35.
Việc đề cao tính chân chính và pháp lý trong cách tiếp cận của Việt Nam còn thể hiện việc hướng đến sự hài hoà về lợi ích, sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, nhằm duy trì và thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh các quốc gia cùng tồn tại hoà bình. Tính “chân chính” và “pháp lý” cũng trở thành công cụ để Việt Nam nhận được sự đồng tình, ủng độ từ bên ngoài, vận dụng được “sức mạnh thời đại” nhằm thúc đẩy sự an ninh và phát triển bên trong, từ đó đóng góp vào sự tiến bộ chung bên ngoài. Việc xúc tiến đan xen lợi ích giữa các quốc gia nhằm hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, từ đó góp phần làm giảm nguy cơ xung đột trong QHQT.
Việt Nam phủ nhận đối sách “đẩy trách nhiệm” và “liên minh” của CNHT trong quan hệ với các nước, đặc biệt là với các nước lớn, trong việc đảm bảo lợi ích QGDT. Thay vì thực hiện đối sách “đẩy trách nhiệm”, đi với nước này để chống nước kia, hay chính sách “liên minh”, thực hiện liên minh quân sự để đối đầu với các chủ thể QHQT khác, Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng với tất cả các nước lớn, không dựa vào nước lớn này để chống lại nước lớn khác. Trong kế sách bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, Việt Nam thực hiện chính sách “4 không” (trong đó có nội dung không tham gia liên minh quân sự hay không liên kết với nước này để chống nước kia) và “1 tuỳ”36. Việt Nam không chủ trương chính sách “liên minh” hay “đối đầu” bởi lẽ, việc xác định lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam không phải là bất biến, mà phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, tình huống cụ thể (tình hình trong nước, bối cảnh khu vực và quốc tế, từng “đối tác”, “đối tượng” mà Việt Nam tương tác). Việt Nam thực hiện chính sách không “liên minh”, nhưng đảm bảo “1 tuỳ” nhằm giúp Việt Nam có được sự linh hoạt, chủ động cần thiết trong việc bảo vệ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia – dân tộc của mình trong những tình huống cụ thể.
(3) Về vấn đề xử lý mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và lợi ích toàn cầu. CNHT đề cao vấn đề lợi ích quốc gia và hạ thấp lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Trái lại, CNTD cho rằng, chính sách ngoại giao của các quốc gia cần hướng đến việc xử lý các vấn đề thuộc lợi ích chung của toàn nhân loại. Cách tiếp cận của Việt Nam, một mặt, nhấn mạnh đến yếu tố lợi ích QGDT trong việc triển khai chính sách đối ngoại, mặt khác, lại không phủ nhận lợi ích chính đáng của các chủ thể khác, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Để đạt được mục tiêu của mình trong tương tác quốc tế, CNTD đề cao tính chất hợp tác; trong khi đó, CNHT lại nhấn mạnh đến tính chất xung đột, mâu thuẫn37. Ngược lại, Việt Nam đề cao phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, trong đó, mục tiêu của “đấu tranh” là để tăng cường tính “hợp tác”, làm cho “hợp tác” ngày càng chặt chẽ hơn.
5. Kết luận
Trong khi CNHT cổ xúy cho việc theo đuổi lợi ích quốc gia nhưng phớt lờ yếu tố chuẩn mực đạo đức và pháp lý quốc tế trong việc đạt được mục tiêu, CNTD đánh giá cao hoạt động xuyên biên giới và cho rằng lợi ích quốc gia cần nhường chỗ cho những vấn đề chung, thuộc về lợi ích của toàn nhân loại. Cách tiếp cận của Việt Nam, một mặt, mang tính “hội nhập”, biểu hiện thông qua tính hội tụ, mặt khác, thể hiện bản sắc riêng, biểu hiện thông qua tính phân ly trong cách tiếp cận về vấn đề lợi ích quốc gia, một vấn đề cốt lõi trong QHQT trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.
Do vậy, có thể khẳng định rằng cách tiếp cận của Việt Nam về vấn đề lợi ích QGDT là một điểm sáng về tư duy lý luận QHQT thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Cách tiếp cận này không những thể hiện tính tương thích cao với bối cảnh Việt Nam là một quốc gia tầm trung, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, mà còn phản ánh tính đồng bộ với phương châm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2023
(*) Đây là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX 04.07/21-25
1 Zongyi Liu: The Concept of National Interests, China’s Diplomacy, 2013, tr.121.
2, 5, 7, 8, 13, 14, 15, 18, 31, 33, 36 Scott Burchill: The National Interest in International Relations Theory, Palgrave McMillan, New York, 2005, tr.211, 45, 32, 43, 212, 125,112, 120-121, 209-210, 212, 123.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr.161-162.
4 Jonathan Cristol: Realism, Oxford Bibliographies, https://www.oxfordbibliographies.com/view/document/obo-9780199743292/obo-9780199743292-0042.xml, cập nhật 3/8/2021.
6 Hans Joachim Morgenthau: In Defense of the National Interest: A Critical Examination of American Foreign Policy, University Press of America, New York, 1951, tr.172.
9 &10 Joseph Frankel: National Interest, Pall Mall Press Ltd, London, 1970, tr.27.
Duncan Bell: “Realism”, Encyclopedia Britannica, https://www.britannica.com/topic/realism-political-and-social-science. Truy cập: 3/8/2021.
11 Silviya Lechner: Anarchy in International Relations, Oxford Research Encyclopedia of International Studies, https://doi.org/10.1093/acrefore/9780190846626.013.79. cập nhật 8/8/2021.
12 John J. Mearsheimer: The Tragedy of Great Power Politics, W.W. Norton & Company, New York, tr.139.
16 Mansbach, Richard W. and Kirsten L. Rafferty: Introduction to Global Politics, Routledge, London and New York, 2008, tr.539.
17, 19 & 34 Jackson, Robert and Georg Sorensen: Introduction to International Relations: Theories and Approaches (second edition), Oxford University Press, Oxford, 2003, tr.214, 116.
20 Nguyễn Cơ Thạch: Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1, 1990, tr.7.
21 Hiền Hòa - Phạm Cường: Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhung-nhan-thuc-moi-va-tu-duy-moi-ve-quoc-phong-viet-nam-577419.html, cập nhật 12/7/2021.
22, 23 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.14, 15.
24 Bùi Văn Hùng: Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2011, tr.39.
25 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.153.
26 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.161.
27 Đặng Đình Quý: Bàn thêm về lợi ích quốc gia dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới, Nghiên cứu quốc tế 1 (80), 2010, tr.115.
28 Phạm Bình Minh: Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.62.
29 & 30 Van Tong Ngo: Vietnamese Perspectives on International Relations in the Doi Moi Era (1986-2016), PhD Thesis, University of Auckland Researchspace, tr. 205-206, http://hdl.handle.net/2292/53755, cập nhật 27/7/2021.
32 Phạm Bình Minh: Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.62.
35 Vũ Đăng Minh: Cứng hay mềm, lợi và hại trong liên minh, liên kết về quốc phòng, an ninh, Thế giới và Việt Nam, https://baoquocte.vn/cung-hay-mem-loi-va-hai-trong-lien-minh-lien-ket-ve-quoc-phong-an-ninh-149192.html, cập nhật 8/8/2021.