TS CAO NGUYÊN
Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, Bộ Xây dựng  
TS BẠCH THANH SANG
Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người; quyền này đã được khẳng định trong các văn kiện về nhân quyền. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng được ghi nhận trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lịch sử Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên một số những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi khái quát lại quá trình nội luật hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khẳng định quan điểm nhất quán “tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer ở Cà Mau luôn giữ được những giá trị truyền thống. 
(Nguồn: dangcongsan.vn)

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người sớm được cộng đồng quốc tế quan tâm. Quyền này chính thức được ghi nhận và bảo vệ từ khi tổ chức Liên hiệp quốc (The United Nations) ra đời năm 1945. Để có cơ sở pháp lý về tôn trọng và thực hiện các quyền của con người, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nhiều Điều ước quốc tế, bao gồm công ước nhân quyền cơ bản và các công ước nhân quyền chuyên biệt. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được quy định trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946); sau đó được kế thừa, bổ sung và phát triển trong các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013.

So với các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện rõ tính dân chủ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu. là một trong những quyền của con người cần phải được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Để thể chế hóa quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng trong Hiến pháp năm 2013 cho phù hợp với các Điều ước quốc tế; ngày 18/11/2016, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã đưa ra những đánh giá thiên lệch, thậm chí bóp méo sự thật về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam; tìm cách sử dụng vấn đề tôn giáo để chống phá; vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo”; đòi tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của nhà nước; yêu cầu chính quyền không kiểm soát, kiểm duyệt các tôn giáo, cho phép tôn giáo được tự do hoạt động... Gần đây, trong báo cáo cập nhật về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2021 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) có những thông tin sai lệch, họ cho rằng: “Việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ; lực lượng chức năng của Việt Nam “tiếp tục đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận; bắt giữ, truy tố, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”, trong đó có Nguyễn Bắc Truyển - đối tượng vi phạm pháp luật đã xét xử, kết án. USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC)1. Đây là những vấn đề cần được luận giải để thấy rõ hơn những nổ lực trong việc hoàn thiện luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

1. Quá trình nội luật hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và kịp thời ban hành nhiều văn bản nhằm đảm bảo cho Nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tiêu biểu có Sắc lệnh số 35, ngày 20/9/1945; quy định: “Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, Nhân dân đều phải tôn trọng, không được xâm phạm”2. Nhằm tiếp tục đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân ở tầm cao hơn, tại Điều 10 của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng là một trong năm quyền cơ bản của con người (Công dân Việt Nam có quyền:  Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại  trong nước và ra nước ngoài). Đây là nội dung có giá trị thời đại khi mà hai năm sau đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mới được tuyên bố trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (năm 1948). Điều đặc biệt hơn là sau 20 năm từ khi Hiến pháp nước VNDCCH ra đời (năm 1946) thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lại trở thành một quy phạm pháp lý quốc tế ràng buộc trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966). Để thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng trong Hiến pháp năm 1946, ngày 20/3/1955, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội nước VNCDCH khóa I đã đưa ra các nguyên tắc về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết ngày 26/3/1955 về vấn đề tôn giáo gồm sáu nguyên tắc về chính sách đảm bảo tự do tín ngưỡng; đồng thời ủy nhiệm chính phủ ban hành những luật pháp thích hợp để thực hiện chính sách đảm bảo tự do tín ngưỡng.

Trên cơ sở đó, ngày 14/6/1955, Chủ tịch nước VNDCCH ký Sắc lệnh số 234/SL: Sắc lệnh về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng. Tại Chương I (Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng) đề cập đến tất cả các mặt của tự do tôn giáo theo Công ước quốc tế, Cụ thể là: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo và khi truyền bá tôn giáo”3. Theo đó, Chính phủ ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Sắc lệnh như: Thông tư số 593-TTg (năm 1957) và Thông tư số 60-TTg (ngày 11/6/1964) quy định chi tiết về việc thi hành chính sách tôn giáo. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật tiêu biểu, tương đồng với luật pháp quốc tế về quyền con người và cũng là điểm khởi đầu cho chặng đường xây dựng luật pháp tôn giáo ở Việt Nam.

Sau khi Việt Nam hoàn toàn độc lập (30/4/1975), để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, trên cơ sở Hiến pháp năm 1959:  “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26) và Sắc lệnh 234 ngày 14/6/1955; ngày 11/11/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 297-CP về một số chính sách đối với tôn giáo; tiếp tục bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của Nhân dân. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986) chính sách, luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam từng bước cụ thể hóa qua các văn bản pháp luật như: Nghị định số 69-HĐBT ngày 01/01/1991 của Hội đồng Bộ trưởng: Nghị định quy định về các hoạt động tôn giáo; Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2004) và hiện nay là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2016). Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ghi nhận qua các kỳ Đại hội. Nội dung Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng, đảm bảo nguyên tắc những việc nội bộ của các tôn giáo; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Việt Nam; đồng thời phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Một số vấn đề bàn luận trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong lịch sử phát triển các quyền tự do cơ bản của con người. Đây cũng là quyền được ghi nhận từ rất sớm trong các văn kiện, luật nhân quyền quốc gia và quốc tế. Thế giới ngày nay thường coi bốn văn kiện quốc tế để đúc kết những nguyên tắc “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, cụ thể là: (1) Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc năm 1948 (Điều 18); (2) Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 18, 20, 24, 26); (3) Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức bất khoan dung và phân biệt đối xử do các lý do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên hiệp quốc năm 1981; (4) Văn kiện ký kết ở Vienna (Áo) năm 1989.

Trên nguyên tắc hiến định quyền bình đẳng và tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Việt Nam, sau đó được kế thừa và phát triển các Hiến pháp năm 1959 (Điều 22, 23, 26), Hiến pháp năm 1980 (Điều 55, 56, 57), Hiến pháp năm 1992  (Điều 52, 53,70). Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến quan trọng trong việc hiến định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thể hiện sự kế thừa và phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng trong mối quan hệ quốc tế; với những quy định càng về sau càng có xu hướng chi tiết hơn. Cụ thể là tại mục B thuộc Chương 2  (Quyền lợi và Nghĩa vụ), Hiến pháp năm 1946 quy định: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”4. Trong Hiến pháp năm 1959, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 26: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”5. Điều này cho thấy tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là quyền theo tôn giáo mà còn có cả quyền không theo tôn giáo; quy định như vậy một mặt là sự mở rộng hơn, làm sâu sắc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mặt khác là cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền của những người không tin theo tôn giáo, phòng ngừa trường hợp có người vì những lý do nào đó bị ép buộc theo tôn giáo. Điều này cũng tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết giữa người có tôn giáo với người không có tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và 1959, Hiến pháp năm 1980, tiếp tục ghi nhận: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 60)6. Hiến pháp năm 1980, có một ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là quyền tự do tín ngưỡng bao gồm cả nội dung phòng ngừa hành vi lợi dụng quyền này để chống phá Đảng và Nhà nước; quy định này làm rõ căn cứ để nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo, đó là những hoạt động vi phạm pháp luật, chính sách của nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan cũng như các hủ tục lạc hậu nhằm mưu cầu cá nhân, phá hoại thành quả cách mạng. Mười hai năm sau đó, Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 70)7. Đáng chú ý, trong Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có một số điểm mới; đó là khái niệm tín ngưỡng được đặt độc lập, bên cạnh khái niệm tôn giáo đề cập đến sự bình đ?ng tr??c ph?p lu?t c?a c?c t?n gi?o,?qua ?? ph?n ?nh r? n?t h?n v? t?nh d?n ch??c?a x? h?i.?Quy ??nh nghi?m c?m vi?c l?i d?ng?quy?n t? do t?n ng??ng, t?n gi?o ?? vi?ph?m ??n l?i ?ch c?a nh? n??c, c?a Nh?n?d?n l? ph? h?p v?i lu?t ph?p qu?c t?. Tuy?n?ng?n th? gi?i v? nh?n quy?n n?m 1948 c?ng cho?r?ng quy?n t? do t?n ng??ng, t?n gi?o?kh?ng ph?i l? quy?n tuy?t ??i, t? do v??nguy?n t?c, c? th? l?: ?Trong khi th?c hi?n c?c quy?n v? quy?n t? do?cho c? nh?n, m?i ng??i ch? ph?i tu?n th??nh?ng h?n ch? do lu?t ??nh nh?m m?c ??ch duy nh?ẳng trước pháp luật của các tôn giáo, qua đó phản ánh rõ nét hơn về tính dân chủ của xã hội. Quy định nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm đến lợi ích của nhà nước, của Nhân dân là phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 cũng cho rằng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô nguyên tắc, cụ thể là: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, và đáp ứng được những đòi hỏi chính về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (Khoản 2, Điều 29)8. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013 của nước Việt Nam quy định rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24)9. Có thể thấy rằng, so với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm  2013) thể hiện rõ tính dân chủ của nhà nước pháp quyền đối với tín ngưỡng, tôn giáo; coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của con người, cần phải được tôn trọng và đảm bảo các điều kiện để mọi người thực hiện quyền đó.

Tuy nhiên, trong bài viết Nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo nhìn từ góc độ pháp luật quốc tế và Việt Nam10 đã chỉ rõ một số tổ chức thiếu thiện chí, nhất là  Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ tiếp tục đưa ra những đánh giá thiên lệch, thậm chí bóp méo sự thật về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Một số tổ chức và cá nhân luôn tìm cách sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá Việt Nam. Luận điệu mà họ đưa ra là vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân; đòi tách tôn giáo khỏi sự quản lý của nhà nước, yêu cầu chính quyền không kiểm soát, kiểm duyệt các tôn giáo, cho phép tôn giáo được tự do hoạt động. Họ cho rằng: “Nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về tôn giáo, dân tộc không tương đồng với Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam là tạo ra cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”, “là bước thụt lùi về tự do tôn giáo”, “Việt Nam đề ra chính sách pháp luật nhưng không thực hiện”... Mặt khác, trong các báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế hàng năm do Cục Dân chủ, nhân quyền và lao động - Bộ Ngoại giao Mỹ công bố có nêu nội dung: “Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự do tôn giáo, tuy nhiên chính phủ vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo”. Các báo cáo này còn nêu ra “các biện pháp hạn chế tự do tôn giáo”, “các trường hợp lạm dụng tự do tôn giáo, một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu…”. Thực tiễn ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân luôn được tôn trọng và bảo đảm; các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 phù hợp với quy định và mục tiêu các công ước nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, việc quản lý nhà nước về tôn giáo là yêu cầu khách quan, việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thực tiễn; việc tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải trong khuôn khổ pháp luật; những vấn đề đó được thể hiện qua những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, quản lý nhà nước về tôn giáo là yêu cầu khách quan

Thực tế cho thấy, không thể có quyền tự do tôn giáo tuyệt đối. Xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ. Mọi tổ chức tồn tại và hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật. Việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân luôn được đảm bảo; quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo đã được thể chế hóa bằng nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Các văn bản pháp luật này đều khẳng định việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Hai là, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thực tiễn

Ở bất kỳ một quốc gia nào, các hoạt động tôn giáo đều được điều chỉnh theo khuôn khổ của pháp luật. Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, cởi mở trong trao đổi, cung cấp thông tin cho các quốc gia, các tổ chức quan tâm đến vấn đề nhân quyền, trong đó có tự to tôn giáo, tín ngưỡng. Thực tiễn cho thấy, các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng đa dạng, được Đảng và Nhà nước bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nếu như trước năm 1990, Việt Nam có 06 tôn giáo, 03 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, cùng với một số loại hình tín ngưỡng dân gian gắn với các dân tộc nhưng đến nay đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Ngoài ra, nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự (Vesak của Phật giáo, Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài,.....)

Ba là, tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải trong khuôn khổ pháp luật

Cùng với việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Đảng và Nhà nước ta cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lạm dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Thời gian qua, đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng dân tộc, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận chức sắc, tín đồ nhận thức lệch lạc, tiêu cực được sự cổ xúy, xúi giục của các thế lực thù địch dẫn đến có cái nhìn sai lệch về nhà nước, về chế độ, thậm chí hình thành tư tưởng thù địch, chống đối với chính quyền. Cụ thể như trong bài viết Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: Điều không thể xuyên tạc11 cũng đã chỉ ra một số chức sắc cực đoan như Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Ngọc Nam Phong… lợi dụng buổi sinh hoạt tôn giáo đã lồng ghép các thông tin sai lệch, xuyên tạc, kích động các tín đồ chống đối chính quyền, xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, còn xuất hiện các hoạt động mang màu sắc tôn giáo trái pháp luật của Hà Mòn, Tân Thiên địa, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi; các hoạt động của các tổ chức chống đối như “Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam”, “Phật giáo Hòa hảo đối lập”, “Văn phòng Công lý và Hòa bình thuộc dòng Chúa Cứu thế thành phố Hồ Chí Minh”, “Hội Anh em Dân chủ”…     

Nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật của nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, Nhà nước đã đưa ra truy tố, xét xử những đối tượng vi phạm pháp luật, điển hình như năm 2013 xét xử Phan Văn Thu và 21 đối tượng của “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức hoạt động chống phá chế độ dưới các chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” đã bị bắt vào ngày 30/7/2017 và truy tố tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79, Bộ luật Hình sự, đến ngày 04/6/2018, Nguyễn Bắc Truyển bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”12.

 3. Kết luận

Việc lợi dụng tôn giáo để chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền là hoạt động thường xuyên của những tổ chức, cá nhân và quốc gia thiếu thiện chí với Việt Nam. Với tư cách là thành viên của các công ước nhân quyền, nhà nước ta đã ngày càng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình thể hiện ở việc tôn trọng, đảm bảo việc thực hiện các quyền con người. Mặt khác, với tinh thần là “đối tác tin cậy”, là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”; Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực nhân quyền, phấn đấu vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Năm 2005, Quốc hội nước Việt Nam đã thông qua Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; theo đó, Việt Nam đã thực hiện đồng thời cả hai biện pháp là sửa đổi hệ thống pháp luật và ban hành đạo luật mới nhằm đảm bảo sự tương thích với mục đích và yêu cầu của điều ước.

Ở mỗi quốc gia, trong quá trình thực thi các quyền con người thì những hạn chế, thiếu sót là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên không thể chỉ nhìn vào những hạn chế mà phủ nhận sạch trơn nỗ lực, kết quả và bức tranh toàn cảnh tích cực. Mặt khác, vấn đề quyền con người là công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền và những nguyên tắc chung về thực hiện quyền con người phải gắn liền với điều kiện đặc thù của quốc gia đó. Những công việc nội bộ của một quốc gia thì do chính người dân của quốc gia đó quyết định; những vấn đề quốc tế cần phải giải quyết thông qua hội đàm giữa các quốc gia - dân tộc. Tất cả hành động cường điệu hóa, gắn màu sắc chính trị với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác vì lý do tôn giáo đều đi ngược với xu thế hòa bình và phát triển của thế giới. Do vậy, các cá nhân, tổ chức chưa có thiện chí với Việt Nam cần phải tiếp nhận những thông tin chính xác và có cách tiếp cận khách quan, mang tính xây dựng khi công bố tình hình tôn giáo, không chỉ với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới; đồng thời nên thay đổi quan điểm, từ “đối đầu” sang “đối thoại” và từ “chính trị bạo lực” sang “sự bình đẳng” để thực hiện tôn chỉ, mục đích chân chính của cá nhân, tổ chức muốn hướng đến thúc đẩy quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 6 (36) - 2023

1, 11, 12 Quang Huy: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: Điều không thể xuyên tạc, https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-dieu-khong-the-xuyen-tac-16633, cập nhật 25/10/2023.

2, 3, 4 Đỗ Quang Hưng: Nhà nước - Tôn giáo - Pháp Luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.373, 331, 371.

5&6 Nguyễn Thanh Xuân: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr.300.

7 Ban Tôn giáo Chính phủ: Các văn bản pháp luật quan hệ đến tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2000, tr.7.

8 Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ - Văn phòng Thường trực: Các công ước cơ bản về quyền con người, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2011, tr.14.

9 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ ngĩa Việt Nam: Hiến pháp năm 2013, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.17-18.

10 Trường Đại học An ninh nhân dân: Nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo nhìn từ góc độ pháp luật quốc tế và Việt Nam, http://dhannd.edu.vn, cập nhật 25/10/2023.