TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Truyền thông là thứ vũ khí có sức mạnh ngang với kinh tế, quân sự trong xã hội hiện đại. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm xuất hiện những không gian, công nghệ truyền thông mới như mạng xã hội, ChatGPT, v.v. với tính năng hiện đại, tốc độ lan truyền nhanh, không biên giới, khiến truyền thông trở thành mặt trận nhạy cảm, phức tạp, khó kiểm soát. Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng truyền thông như một công cụ đắc lực để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bài viết phân tích các phương thức, kỹ thuật, thủ đoạn và đối tượng của “truyền thông bẩn” trong tình hình mới, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó hiệu quả.
(Nguồn: btgtu.lamdong.dcs.vn)
1. Đặt vấn đề
Lâu nay, truyền thông được các cơ quan chức năng coi là công cụ quan trọng, nắm giữ thứ quyền lực đặc biệt - quyền lực thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trên mặt trận tư tưởng, truyền thông vừa có vai trò cung cấp thông tin, vừa có chức năng định hướng dư luận. Nhờ vậy, truyền thông sớm được tận dụng như một thứ vũ khí có sức mạnh ngang với kinh tế, quân sự. Tuy nhiên, truyền thông không chỉ được sử dụng để phục vụ sứ mệnh cao cả là phản ánh trung thực, khách quan thực tế xã hội, mà có thể bị lợi dụng như một thứ “vũ khí tối tân” trong các cuộc chiến truyền thông dẫn đến sự hình thành “truyền thông bẩn”. Đó là tổng thể những lý thuyết, công cụ, phương tiện, kỹ thuật và công nghệ truyền thông đã bị lợi dụng nhằm thực hiện các ý đồ, mục đích xấu. Thực chất của “truyền thông bẩn” là tạo ra các hiệu ứng, những luồng thông tin mang tính kích thích tiêu cực, phớt lờ sự thật khách quan và giá trị chân chính, tác động đến đông đảo chủ thể tiếp nhận nhằm mục đích phá hoại. Trong kinh tế, “truyền thông bẩn” là phương thức phổ biến của cạnh tranh không lành mạnh. Trong chính trị, “truyền thông bẩn” được khai thác triệt để, dẫn dắt công chúng và dư luận xã hội theo những mưu đồ, thủ đoạn chính trị đê hèn.
2. Dùng “truyền thông bẩn” để chống phá Đảng và Nhà nước ta, chiêu trò đê hèn lâu đời của các thế lực thù địch
Ở Việt Nam, “truyền thông bẩn” trong chính trị từ lâu đã là chiêu trò mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước triệt để khai thác, sử dụng nhằm thực hiện các hành vi chống phá Đảng và Nhà nước. Ngay từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã là đối tượng nhắm đến của thế lực thù địch trên mặt trận truyền thông, đặc biệt, trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975). Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận định về phương thức “tuyên truyền nhồi sọ” của Mỹ, Người viết: “Mỹ chuẩn bị chiến tranh cả về mặt tinh thần. Chúng dùng báo chí, tranh ảnh, sách vở, ca hát, chớp bóng… đủ các thứ (...). Ở các nước có hơn 400 cơ quan làm việc tuyên truyền cho Mỹ (...) Mỹ còn lập nhà thương, trường học, hội từ thiện, vân vân, ở các nước để làm cơ quan tuyên truyền và ổ mật thám”1.Trong hơn 20 năm thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã bỏ không ít công sức và hàng tỷ USD để xây dựng đế chế truyền thông khổng lồ phục vụ cuộc chiến tâm lý - tư tưởng. Cụ thể là Tổ chức Liên vụ Thông tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn (USIS - United States Information Service) - có mặt tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu cuộc chiến, với hệ thống 37 cơ sở tại các tỉnh, thành phố miền Nam, nơi chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, thực thi chính sách đối ngoại của nhà nước Mỹ, mưu đồ của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ): Tuyên truyền đường lối chiến tranh và văn hóa Mỹ, thực hiện các chiến dịch tâm lý chiến tại Việt Nam, xây dựng lực lượng mật thám cho CIA tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các cơ quan đặc trách về chiến tranh tâm lý: Bộ thông tin chiêu hồi; Nha chiến tranh tâm lý (thành lập 1955, 1965 đổi thành Cục Tâm lý chiến). Trong quân đội, Mỹ tổ chức hệ thống cơ quan tâm lý chiến gồm “Tổng cục chiến tranh chính trị” và các sĩ quan tâm lý chiến từ cấp tiểu đoàn trở lên. Một số cơ quan truyền thông lớn phục vụ cho cuộc chiến truyền thông tại Việt Nam do Mỹ phụ trách như: Đài phát thanh Tự do, Đài phát thanh Mẹ Việt Nam, Đài phát thanh Gươm thiêng ái quốc, Đài phát thanh Giải phóng Nam Bộ, v.v.. Bên cạnh đó, một loạt các cơ quan tuyên truyền của Mỹ ở nước ngoài thực hiện các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý và phá hoại miền Bắc Việt Nam được dựng lên như RSC - Regional Service Center, căn cứ ở Philippines, nơi sản xuất số lượng lớn áp phích, truyền đơn in ra nhiều thứ tiếng châu Á.
Mục tiêu của các chiến lược truyền thông của Mỹ trong thời kỳ đó là kích động bất ổn, xuyên tạc, xúi giục, tung tin thất thiệt, tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vu khống các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bịa đặt, bóp méo tình hình miền Nam, kêu gọi lật đổ chế độ, ly gián nhân dân với cách mạng. “Mỹ đang ra sức xâm lược văn hóa để hủ hóa và gieo rắc bệnh phục Mỹ, thân Mỹ, sợ Mỹ vào nhân dân”2. Để thực hiện mục tiêu, các phương thức, công cụ truyền thông hiện đại nhất thời điểm đó (báo chí, phát thanh, truyền hình, truyền đơn) được Mỹ sử dụng triệt để. Bên cạnh đó, Mỹ còn cài cắm người (cộng tác viên của CIA) làm tuyên truyền miệng để phục vụ mục tiêu của chúng. Một loạt luận điệu xuyên tạc được rêu rao trên truyền thông như “Cộng sản tam vô (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo), tàn ác”; “miền Bắc đói kém, bảy người leo một cọng đu đủ không gãy”; “Chiến dịch chiêu hồi”, “Chiến dịch tố Cộng”, “Tội ác Việt Cộng”, v.v.. Lợi dụng vấn đề Thiên Chúa giáo, chúng thực hiện chiến dịch tuyên truyền với các luận điệu “Chúa đã vào Nam”, “tượng Chúa nhỏ nước mắt”, “Đức Mẹ khóc ra máu”, “Chính phủ Hồ Chí Minh sẽ cấm đạo”, nên kêu gọi người dân phải “theo Chúa vào Nam”4, gây ra một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử đất nước với khoảng một triệu người đã di cư vào miền Nam (1954), để tạo lực lượng chính trị hỗ trợ và ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm trong giai đoạn đầu thành lập tại miền Nam Việt Nam3. Để gây hoang mang cho quân và dân ta, bản tin thời sự ngày 21/12/1972 của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phát tin: “Tướng Giáp đã tử thương trên đường từ Hà Nội xuống Hải Phòng do trúng bom B52”.
Không chỉ trong thời chiến, kẻ địch không từ bỏ chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mặt trận truyền thông cả trong thời bình. Chỉ thị số 88-CT/TW ngày 03/11/1986 của Ban Bí thư về việc ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, chống chiến tranh tâm lý của địch chỉ rõ: Có một số người bất mãn, những phần tử xấu trong Đảng và xã hội đã tung ra “những tin đồn không đúng sự thật, những luận điệu xấu được loan truyền bằng nhiều hình thức như dựng chuyện bịa đặt, hò vè, thơ đả kích…; thậm chí có cả những tài liệu giả dưới hình thức bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo”5, đã “gây ra những hiểu lầm, nghi ngờ, hoang mang trong cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng”6. Đó chính là những biểu hiện “kẻ địch đang đẩy mạnh những hoạt động chống phá chúng ta trên mặt trận tư tưởng”7.
Như vậy, trong quá khứ, thế lực thù địch liên tục sử dụng các chiêu trò “truyền thông bẩn” với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh mới, lợi dụng sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ truyền thông mới, “truyền thông bẩn” càng trở nên nguy hiểm với nhiều thủ đoạn, phương thức hiện đại, tinh vi hơn.
3. “Truyền thông bẩn” của các thế lực thù địch trong bối cảnh mới: công nghệ, phương thức và đối tượng
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với sự phát triển của Internet, công nghệ truyền thông càng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, hiện đại. Việt Nam hiện có khoảng 77,93 triệu người sử dụng Internet (tương đương 79,1% dân số); trung bình mỗi ngày người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút trên Internet; số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tính đến tháng 01/2023 là hơn 70 triệu người; 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), Tiktok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%), số người sử dụng YouTube tại Việt Nam đầu năm 2023 là 63 triệu người8. Những số liệu này cho thấy, Internet, đặc biệt là mạng xã hội đang tạo ra một môi trường truyền thông xã hội không biên giới, chính là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của “truyền thông bẩn”, trong đó có truyền thông chính trị.
Trên thế giới, ở nhiều nơi, truyền thông chính trị trên mạng xã hội đang bị lạm dụng như một công cụ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chẳng hạn, vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook tháng 3/2018, với khoảng 87 triệu người sử dụng nền tảng này bị tiếp cận bất hợp pháp dữ liệu cá nhân với mục đích xây dựng “đồ họa tâm lý” cử tri9, làm cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 trở thành cuộc bầu cử khó dự báo nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Với Việt Nam, ngoài những cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Đảng và Nhà nước như VOA, Đài Á Châu Tự do (RFA), Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), kênh BBC Việt ngữ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), v.v. thế lực thù địch còn lợi dụng mạng xã hội, thành lập các trang facebook, youtube, tiktok, v.v. các diễn đàn trên fanpage, blog, website để đưa tin, bài, video có mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng và Nhà nước.
Sự xuất hiện của ChatGPT (11/2022) cũng đang bị các đối tượng làm “truyền thông bẩn” ráo riết lạm dụng. Là công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo, ChatGPT có khả năng tổng hợp thông tin liên quan từ Google và đưa ra câu trả lời cho người dùng, cắt ghép, tổng hợp các nguồn tin sẵn có từ dữ liệu đầu vào để đưa ra câu trả lời theo mục đích của người hỏi, vì vậy, ChatGPT tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Mặc dù chưa chính thức tham gia thị trường mạng xã hội Việt Nam nhưng các phiên bản dùng thử đang được các thế lực thù địch sử dụng như một công cụ mang tính “khách quan”, để gián tiếp khẳng định những thông tin chúng muốn thực hiện. Bằng cách “đánh lừa” trí tuệ nhân tạo, hỏi các câu hỏi có tính gán nhãn, kẻ xấu buộc ChatGPT phải trả lời theo ý đồ của chúng. Ví dụ câu hỏi: “Ai đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng?”, “Ai đã cho ta sáng mắt, sáng lòng?” và câu trả lời của ChatGPT: “Không có một người hoặc tổ chức nào cung cấp cho chúng ta một mùa xuân đầy ước vọng”, “Không có ai cụ thể đã cho bạn sáng mắt, sáng lòng”10. Các phân tích kỹ thuật cho thấy, các chuyên gia truyền thông có thể sử dụng ChatGPT để đưa ra các thông điệp có chủ đích bằng cách tạo ra hệ thống thông tin nguồn, yêu cầu ChatGPT lọc tin theo cách cắt ghép từ nguồn tin đã có, ChatGPT sẽ “đại diện khoa học hiện đại” đưa ra câu trả lời, đó sẽ là những thông tin méo mó, xuyên tạc sự thật, bôi đen, phỉ báng về vai trò lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước… mang vẻ “khách quan, khoa học” nếu nguồn “tin mớm” là những nội dung tương tự.
Để các công cụ tuyên truyền hiện đại đạt hiệu ứng cao, có thể khuếch tán thông tin nhanh, mạnh, lôi kéo được sự quan tâm của người dùng, nhiều chiêu trò công nghệ mang tính kỹ thuật rất cao như Seeding (gieo mầm thông tin), Digital footprint (tìm dấu vết số để vẽ đồ họa tâm lý cá nhân người dùng) được sử dụng để phục vụ cho mục tiêu thâm độc của “truyền thông bẩn”.
Với phương pháp Seeding (gieo mầm), thế lực thù địch đào tạo, sử dụng những “chuyên gia tạo tin”, đồng thời sử dụng “tay sai truyền thông” lập nhiều nick giả, ảo, bình luận tạo mầm, gieo rắc “tin mầm”. Dựa vào một số hiện tượng xã hội còn đang trong quá trình xử lý, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng, kẻ “gieo mầm” sẽ tung tin kiểu mập mờ, nửa kín, nửa hở, nửa sự thật, nửa dối trá… khiến cho các “tin mầm” trở nên hấp dẫn, sinh động, dễ tác động vào cảm xúc và lèo lái niềm tin của những người xem tin, gây tò mò, hoang mang, dao động. Chẳng hạn, để chống phá Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (2018), kẻ xấu tung tin rằng dự luật sẽ tạo điều kiện “cho Trung Quốc thuê đất trong 99 năm”; hoặc Dự thảo Luật An ninh mạng (2018) là dự luật “bịt miệng nhân dân”, làm “mất dân chủ, vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Hay trong cuộc chiến chống COVID-19, kẻ xấu tung tin “bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin ở Việt Nam”, vu khống “Nhà nước Việt Nam đẩy nhân dân vào cảnh thiếu đói do ngăn sông, cấm chợ”, v.v.. Khi quy luật “một lời dối trá được lặp lại nhiều lần thành sự thật” vận hành, “tin mầm” tạo được hiệu ứng truyền thông, biến công chúng trở thành người truyền tin tự nguyện. Với chiêu bài này, thế lực thù địch dễ dàng đưa những tin giả, tin xấu, độc, tin có mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo, tuyên truyền kích động, chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước trở thành các tin “có thật”, làm người dân hoang mang, dao động, mất niềm tin vào Đảng, chế độ. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng, những tin mầm ấy có thể tạo dư luận nóng, lây lan với tốc độ cao, từ đó che lấp bản chất vấn đề, chỉ còn những thông tin mang tính dẫn dụ, ẩn chứa âm mưu thâm độc: gây dư luận tiêu cực, kích động hành vi gây rối, thái độ cực đoan của người dân bị chúng lôi kéo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.
Phương pháp Digital footprint (tìm dấu vết số), cá nhân hóa thông tin được thế lực thù địch sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Lợi dụng kẽ hở thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội, các lệnh thực hiện trên Internet được lưu lại trên hệ thống, tạo thành dữ liệu lớn về thông tin cá nhân người dùng. Tất cả những thông tin về bản thân, quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội; các thông tin về nhu cầu, sở thích, mối quan tâm, vấn đề khó khăn đang gặp phải của mỗi người dùng được tập hợp, tạo thành “chân dung tâm lý” của người dùng mạng xã hội; từ “chân dung tâm lý” ấy, các chuyên gia “truyền thông bẩn” tạo ra những tin phù hợp với “khẩu vị” của từng cá nhân, khéo léo đưa các tin xấu độc, lôi kéo, dụ dỗ, kích động lồng ghép vào các nội dung đó, sử dụng kỹ thuật hiện đại, hiển thị các thông tin đó mỗi khi “nhân vật” cần tìm kiếm thông tin hoặc truy cập vào các trang cá nhân của mình. Các thông tin được thiết kế mang tính cập nhật, hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của người dùng dần trở thành nguồn dinh dưỡng tinh thần của họ. Người dùng hấp thu “nguồn dinh dưỡng miễn phí ấy”, dần dần tự chuyển hóa và trở thành người có tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm như thế lực thù địch mong muốn.
Ngoài sử dụng phương thức tinh vi, công cụ hiện đại, kẻ làm “truyền thông bẩn” còn tìm cách nhắm vào đối tượng dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ, kích động mà chúng đã nghiên cứu rất kỹ. Đối tượng đầu tiên được nhắm đến là những người đang có mâu thuẫn với chính quyền trong việc giải quyết những quan hệ lợi ích. Thực tế cho thấy dù chính quyền thực thi chính sách tốt đến mấy cũng không làm hài lòng được tất cả mọi người. Luôn có những người vì cố chấp, hoặc do lòng tham mà không hài lòng với cách giải quyết của chính quyền về một vài quan hệ lợi ích của họ, từ đó phát sinh mâu thuẫn lợi ích. Những người này có thể tìm nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề của mình, trong đó phổ biến là sử dụng tra tìm thông tin trên mạng Internet, hoặc tìm các nguồn lực hỗ trợ qua các trang mạng xã hội. Trong khi Việt Nam thuộc tốp 10 quốc gia bị lộ thông tin cá nhân nhiều nhất trên Facebook11, thì phương thức “tìm dấu vết số” là chiêu bài hữu hiệu của thế lực thù địch trong việc tìm kiếm những người đang có bất đồng với chính quyền, những người này sẽ bị dụ dỗ, mua chuộc, hứa hẹn để tham gia lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước. Lực lượng này sẽ trở thành nòng cốt trong việc thực hiện các hành vi chống phá, dưới sự giật dây, đào tạo, hỗ trợ về nguồn lực tài chính, phương tiện, công cụ và cách thức thực hiện, đây sẽ là những “kẻ tử thủ” trong cuộc chiến chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận truyền thông. Bên cạnh đó, những đối tượng vốn là cán bộ của Đảng, Nhà nước, nhưng do những bất đồng ý kiến trong quá trình công tác, hoặc một số người đã nghỉ hưu, một thời từng có tiếng nói quan trọng, thậm chí đã từng “làm mưa, làm gió” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhưng nay không còn được trọng vọng nữa, dẫn tới bất bình, không thỏa mãn, thường hay bày tỏ, chia sẻ những ý kiến trái chiều trên các nền tảng mạng xã hội. Những người này cũng là “con mồi” để lại “dấu vết số” dễ bị tiếp cận, làm quen, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí bị khống chế, đe dọa và trở thành kẻ “bán mình cho quỷ”, “lính đánh thuê” trong cuộc chiến truyền thông. Những người này sẽ trở thành lực lượng cộm cán trong công cuộc chống phá Đảng, Nhà nước. Họ sẽ bị lợi dụng trở thành các “phát ngôn viên”, những “chuyên gia” phân tích chính trị, bình luận chính trị tạo các “tin mồi” để kẻ thù tiếp tục thực hiện gieo rắc “tin mầm” theo ý đồ, âm mưu thâm độc chống phá Đảng, Nhà nước. Thế lực thù địch khai thác những hiểu biết của họ về hệ thống chính trị Việt Nam để thực hiện công cuộc kích động cho tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến những người này thành “kẻ phản quốc” không còn cơ hội quay đầu, trở thành hạt nhân ráo riết, quyết liệt chống phá Đảng và Nhà nước trên chiến tuyến truyền thông và không gian mạng. Tiếp đến, công chúng đa số được nhắm đến để lôi kéo, kích động là một số người trẻ tuổi, những người có trình độ hạn chế, ít thông tin, dễ bị lợi dụng. Các báo cáo về người dùng Internet ở Việt Nam, giới trẻ chiếm tỷ lệ đáng kể. Ước tính 3/2023, tỷ lệ người trong độ tuổi 25 - 34 sử dụng Facebook nhiều nhất (28,7%), tiếp theo là độ tuổi 18 - 24 (24,9%); trẻ em từ 13 - 17 tuổi chiếm 7,5%12; tỷ lệ người trẻ sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook là đối tượng dễ bị lôi kéo, lợi dụng, kích động, giật dây vì chưa đủ hiểu biết và khả năng phân tích, bản lĩnh chính trị để thấu hiểu và phản biện. Đây sẽ là “đám đông” bị lợi dụng để làm nóng, đẩy thuyền và làm bùng nổ dư luận, tạo những làn sóng biểu tình chống đối chủ trương, chính sách của Đảng từ mạng xã hội đến đời thật.
Như vậy, bằng các phương thức tiếp cận đối tượng, có mục đích, có sự đầu tư nguồn lực như tiền bạc, công cụ, phương tiện, huấn luyện nhân lực, v.v. các thế lực thù địch đã sử dụng “truyền thông bẩn” với mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước không chỉ hiển thị trên lĩnh vực truyền thông, trên không gian mạng, mà còn trở thành các làn sóng dư luận, biểu tình, chống đối ngoài đời sống xã hội. Sử dụng “truyền thông bẩn” là chiêu trò tinh vi, chuyên nghiệp, với sự đầu tư hết sức bài bản từ phương thức tiếp cận, đến công cụ, đối tượng cho thấy thế lực thù địch có mục đích chống phá rõ ràng, có sự chuẩn bị kỹ càng và cuộc chiến trên không gian mạng là cuộc chiến lâu dài với nhiều khó khăn, thách thức khó lường.
4. Một số giải pháp ứng phó với “truyền thông bẩn” của thế lực thù địch trong bối cảnh hiện nay
Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân khỏi sự phương hại và nâng cao sức đề kháng trước “truyền thông bẩn” của các thế lực thù địch là công việc vừa có tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Để làm được điều đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế về quản trị truyền thông và không gian mạng, khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cả về phương diện pháp lý và thực tiễn. Coi truyền thông trên không gian mạng là một bộ phận hợp thành không gian bất khả xâm phạm của quốc gia, tất cả các chủ thể tham gia không gian ấy đều phải tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về lĩnh vực an ninh mạng và truyền thông. Bảo đảm mọi hoạt động trên không gian mạng đều không gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, quản trị tốt không gian mạng và hệ thống truyền thông, đẩy mạnh phát triển nền tảng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, làm chủ các hoạt động trên không gian mạng quốc gia. Chú trọng đầu tư hợp lý phát triển hạ tầng số và đảm bảo an ninh mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể xã hội tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia.
Thứ ba, đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ của công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước sự xuyên tạc, bóp méo bởi “truyền thông bẩn” của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ này đòi hỏi, các cấp ủy đảng, chính quyền một mặt phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước; lấy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước làm minh chứng xác thực; mặt khác, phải tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ tác chiến điện tử không gian mạng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng phát hiện, ứng phó, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả tất cả những luồng thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nội lực, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên và sức đề kháng nhân dân trước sự tấn công của “truyền thông bẩn”. Trong bất cứ cuộc chiến nào, bên thắng cuộc là bên có nội lực mạnh hơn, khẳng định được niềm tin và sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải thường xuyên cảnh giác và không ngừng học hỏi, trau dồi, nâng cao năng lực làm chủ trong môi trường không gian mạng, hết sức cảnh giác trước các chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ tinh vi, xảo quyệt của “truyền thông bẩn”; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của Nhà nước trong việc phát hiện, nắm bắt và tố giác những thông tin giả, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên hệ thống truyền thông và không gian mạng.
Thứ năm, xác định rõ đối tượng, đối tác trong lĩnh vực truyền thông trên không gian mạng để kịp thời ứng phó. Điều thấy rõ ràng là những kẻ chống phá chuyên nghiệp với nhiều chiêu thức điên cuồng, tinh vi, xảo quyệt, coi đó là kẻ thù chung của cả dân tộc, phải đấu tranh không khoan nhượng với chúng; những người có mâu thuẫn, bất đồng chính kiến với chính quyền thường xuyên bày tỏ ý kiến trên truyền thông và không gian mạng, một mặt giải quyết hài hòa, minh bạch trên cơ sở thượng tôn pháp luật, mặt khác cảnh báo họ về những chiêu trò dụ dỗ, lợi dụng của thế lực thù địch; những người chưa nhận thức đúng, bị lôi kéo, kích động mà thực hiện hành vi, thì cần khoan dung, tìm cách để giáo dục, cảm hóa họ; những chủ thể có cùng chung kẻ thù là “truyền thông bẩn” trên không gian mạng, có thiện chí thì thúc đẩy hợp tác, liên kết để cùng đấu tranh chống lại kẻ thù chung.
Thứ sáu, hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, đấu tranh với các thế lực thù địch và “truyền thông bẩn” một cách căn cơ, bài bản. Chú trọng bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của “truyền thông bẩn” và tác động của những vấn đề an ninh phi truyền thống. Xác định rõ đây là cuộc chiến lâu dài và khốc liệt, vì vậy vừa phải kiên trì, thận trọng vừa phải quyết liệt trong đấu tranh, sử dụng kết hợp linh hoạt tổng thể các lực lượng và phương thức tác chiến chuyên nghiệp, phù hợp với từng đối tượng thù địch trong lĩnh vực truyền thông và không gian mạng.
Thứ bảy, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trên không gian mạng. Tích cực học tập, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến về quản trị, phát triển hệ thống truyền thông và không gian mạng. Chú trọng việc nội địa hóa các ứng dụng hữu ích có nguồn gốc từ nước ngoài. Tăng cường công tác phối hợp, hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản trị mạng, quản trị truyền thông, quản trị rủi ro và khủng hoảng, ứng phó hiệu quả với các loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tóm lại, công cuộc đấu tranh với “truyền thông bẩn”, chống lại luận điệu xuyên tạc, thù địch là cuộc chiến của toàn Đảng, toàn dân. Đại đoàn kết dân tộc là kế sách “sâu gốc bền rễ” trong mọi cuộc chiến. Cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt thành phần, tôn giáo, dân tộc, người Việt trong nước hay ở nước ngoài đều là lực lượng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trước sự tấn công của “truyền thông bẩn”.
---------
Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 3 (39) - 2024
1, 2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.454, 454.
3 Nguyễn Đình Cự: Đòn chiến tranh tâm lý hiểm độc, https://vanhoavaphattrien.vn/doan-chien-tranh-tam-ly-hiem-doc-a17019.html, truy cập ngày 23/12/2022.
4 Thái Kế Toại: Cuộc chiến tranh tâm lý 20 năm của Mỹ tại Việt Nam: Nhân vật kỳ dị, https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/Cuoc-chien-tranh-tam-ly-20-nam-cua-My-tai-Viet-Nam-Nhan-vat-ky-di-i302768/, truy cập ngày 25/11/2011.
5, 6, 7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t.47, tr.286, 286, 287.
8 Vũ Đăng Chung: Báo cáo Marketing của We Are Social 2023 có gì mới?, https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/330927-Bao-cao-Marketing-cua-We-Are-Social-2023-co-gi-moi, truy cập ngày 21/3/2023.
9 Báo điện tử VTV News: Điểm lại những bê bối của Facebook, https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/diem-lai-nhung-be-boi-cua-facebook-20190414131545548.htm, truy cập ngày 14/4/2019.
10 RFA: Dân dùng ngay ChatGPT đặt những câu hỏi về Bác và Đảng, https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/people-use-chatgpt-to-ask-questions-about-hcm-communist-party-02062023115509.html, truy cập ngày 02/6/2023.
11 Báo điện tử VTV News: Việt Nam thuộc top 10 nước bị lộ thông tin nhiều nhất trên Facebook, https://vtv.vn/trong-nuoc/viet-nam-thuoc-top-10-nuoc-bi-lo-thong-tin-nhieu-nhat-tren-facebook-2018040517333592.htm, truy cập ngày 05/4/2018.
12 Napoleoncat: Facebook users in Viet Nam, March 2023, https://napoleoncat.com/stats/facebook-users-in-viet_nam/2023/03/, truy cập ngày 03/6/2024.